Vị thiền sư và vị khách cứ ngồi như thế, rất lâu, không ai nói với ai câu nào. Những tiếng nấc, những giọt nước mắt, tuy đau thật, nhưng cũng giống như người ta lấy cồn sát vào một vết thương vậy, cái đau đó lại tạo cho người ta cảm giác tẩy trùng, cái đau sạch bắt đầu một quá trình chữa lành.
Trên cao vọng lại tiếng chim chiều theo đàn bay về tổ. Mùi khói củi từ bếp bay ra. Chẳng biết chú tiểu nấu món gì, nhưng ngửi mùi khói bếp là bụng đã muốn ăn rồi.
- Thưa thiền sư, mãi tới lúc này tôi mới nhận ra tôi chỉ cầu mong hạnh phúc, cho dù ít ỏi nhất. – Vị khách khẽ khàng nói tiếp. – Tôi vẫn nhớ thuở tôi còn bé, trong xóm tôi có một ông già, chúng tôi gọi là ông Bảy. Ông Bảy hay kể chuyện cho lũ con nít chúng tôi nghe. Khi thì ông kể Tề thiên đại thánh, khi thì Tam quốc chí, khi thì Thiên long bát bộ. Một hôm hết chuyện Tề thiên, hết Tam quốc, hết luôn cả Thiên long bát bộ... ông bèn kể về Cây Hạnh phúc.
- Ông thử kể câu chuyện Cây Hạnh phúc cho ta nghe xem nào.
- “Có một hòn đảo ở rất xa, nơi đó có Cây Hạnh phúc,” – vị khách trầm giọng xuống, phỏng theo giọng của ông Bảy. – “Một trăm năm mới ra trái một lần. Ai ăn được trái Hạnh phúc sẽ được sung sướng suốt đời. Nhưng không có ai đến được được hòn đảo đó, vì muốn đến được hòn đảo đó người ta phải bỏ hết mọi thứ trên đời...” Nghe đến đó tôi cười phá lên, “Ha ha! Ông Bảy đúng là lẩm cẩm! Bỏ hết mọi thứ thì còn gì là sung sướng nữa!” Ông Bảy lúc đó nhìn tôi bằng một ánh mắt rất lạ. Tôi chẳng hiểu gì, chỉ thấy sờ sợ dọc sống lưng, và tự nhủ khi lớn lên tôi phải có mọi thứ...
Im lặng một hồi, vị khách trầm ngâm nói tiếp:
- Có phải chỉ khi đứng trước cái chết, tôi mới đủ khiêm tốn và can đảm để chấp nhận mình sai? Căn bệnh ung thư của tôi, bác sĩ bảo, chỉ cho tôi sống được từ hai đến ba năm nữa nếu thuốc thang và tịnh dưỡng thật tốt. Trước kia tiền tài, quyền lực làm chủ cuộc đời tôi. Giờ thì bệnh tật làm chủ cuộc đời tôi. Cả đời tôi, tôi chỉ là nô lệ thôi sao?
Comments